Xây dựng thương hiệu cây nghệ, hành trình dài bắt đầu từ hôm nay
Năm 2024, thị trường tinh bột nghệ thế giới sẽ đạt xấp xỉ 100 triệu USD.
Là một quốc gia có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây nghệ, tuy nhiên hiện tại, Việt Nam chưa có được sự đầu tư thích hợp, tương ứng với tiềm năng.
Phát triển cây nghệ đúng với tiềm năng, đưa sản phẩm từ nghệ “vươn mình” ra thị trường thế giới vừa là cơ hội, vừa là trách nhiệm của ANVY.
Từ manh mún không xứng tiềm năng
Hiếm có cây trồng nào có thể thích nghi với đa dạng các vùng miền, các địa hình trên lãnh thổ Việt Nam như cây nghệ. Từ Bắc chí Nam, từ miền núi đến đồng bằng, từ biên cương cho đến nơi ven đô, nội thị; chỉ cần một nhánh nghệ vô tình hay hữu ý xuất hiện nơi vườn nhà, năm sau, người ta đã có thể thu được từ 1 – 2 kg củ nghệ.
Tuy dễ trồng, ít tốn công chăm sóc và cho thu hoạch trong thời gian tương đối ngắn nhưng suốt nhiều năm, cây nghệ dường như bị “bỏ quên”. Theo thói quen canh tác truyền thống, nghệ thường chỉ được trồng ở những khoảnh đất “tận dụng” phục vụ cho nhu cầu ẩm thực. Ngoài tác dụng như một loại gia vị trong chế biến thực phẩm, người ta cũng mách nhau dùng nghệ để chữa bệnh, để làm đẹp…
Đáp ứng cho tất cả các nhu cầu trên, cùng với việc trồng nghệ theo quy mô “vườn nhà” là những cơ sở sản xuất tinh bột nghệ theo phương pháp thủ công, quy mô nhỏ. Mô thức này đã tồn tại ổn định hàng trăm năm nay.
Khoảng trên dưới 10 năm trở lại đây, bằng nhiều cách khác nhau, sản phẩm nghệ của Việt Nam bắt đầu làm quen với thị trường thế giới, bắt đầu là thị trường Trung Quốc.
“Thương lái bắt đầu mua hàng tạ, hàng tấn chứ không chỉ là vài củ, vài cân như trước đây. Nghe nói là để bán sang Trung Quốc”, một người dân vùng trồng nghệ Chí Tân (Khoái Châu, Hưng Yên) cho biết về lý do gia đình ông quyết định chuyển toàn bộ diện tích đất màu sang trồng nghệ từ nhiều năm trước.
Cũng khoảng trên dưới 10 năm trước, dù vẫn sử dụng phương pháp thủ công nhưng những cơ sở sản xuất tinh bột nghệ đã bắt đầu đưa vào vận hành một số máy móc để hỗ trợ cho công đoạn xay, nghiền củ nghệ nên năng lực sản xuất cũng dần được nâng lên. Cũng từ đó, ngoài Trung Quốc, sản phẩm nghệ Việt Nam bắt đầu vươn tới những thị trường xa hơn hơn như Ấn Độ, các nước Trung Đông, Đông Âu…
Những vùng chuyên canh trồng nghệ trên quy mô tương đối lớn bắt đầu hình thành. Nghệ An dường như là tỉnh tiên phong và cũng là nơi có nhiều xã chuyên canh nghệ nhất cả nước. Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến một số xã như: Nghi Kiều (Nghi Lộc – 20ha), Quỳnh Vinh (Hoàng Mai – 35ha).
Với quy mô ước tính xấp xỉ 200ha và năng lực cung cấp khoảng 8.000 tấn nghệ tươi/năm, Chí Tân (Khoái Châu, Hưng Yên) xứng đáng với danh xưng: vựa nghệ của cả nước.
Cánh đồng nghệ ở Chí Tân chuẩn bị vào vụ thu hoạch.
Đến ồ ạt thiếu kiểm soát
Ngoài việc tiếp cận được với thị trường trên thế giới với sản phẩm tinh bột nghệ, từ năm 2013 trở đi, một số doanh nghiệp Việt Nam cũng bắt đầu chiết xuất được những sản phẩm cao cấp hơn từ củ nghệ như: curcumin, nano curcumin, tinh dầu nghệ với quy mô công nghiệp.
Nhu cầu xuất khẩu cộng với nhu cầu chế biến trong nước đã đẩy giá nghệ lên ngày một cao. “Thời điểm năm 2017, có lúc giá nghệ lên tới 35 nghìn/kg”, người dân trồng nghệ ở Chí Tân cho biết.
Thấy được nguồn lợi từ cây nghệ, rất nhiều người dân đã tự bỏ đi những cây trồng truyền thống để chuyển sang trồng nghệ. Diện tích trồng nghệ cũng theo đó mà tăng dần, từ Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa đến Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu… đâu đâu cũng có thể bắt gặp những cánh đồng nghệ.
Năm 2017, cây nghệ tiếp tục được trồng ồ ạt ở một số tỉnh Tây Nguyên, điển hình là ở Đăk Lăk.
Dưới tiêu đề: “Hơn nửa triệu tấn nghệ sẽ bán đi đâu?”, báo Tiền phong cho biết: Ngang dọc khắp các huyện thành của tỉnh Đắk Lắk, đâu đâu cũng thấy cây nghệ. Có nơi trồng thuần, có nơi trồng xen hoặc tranh thủ cắm xuống bất cứ chỗ nào có thể.
Báo Tiền phong cũng dẫn lời Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở NN&PTNNT Đăk Lăk ước đoán, “cỡ 7.000-8.000 ha nghệ trên cả tỉnh là có”.
Báo Tiền phong tiếp tục thông tin: Một nhóm doanh nhân đã “đi nát 5 tỉnh Tây Nguyên”, khẳng định, tổng diện tích nghệ sắp thu hoạch không dưới 20.000 ha, dù tới nay trên khắp khu vực này chưa có nhà máy chế biến nghệ nào. Với năng suất bình quân ở mức thấp 30 tấn củ tươi/ha (nhiều nơi đã đạt năng suất 40-45 tấn/ha nghệ), thì vụ thu hoạch nghệ tới từ tháng 1-3/2018 trên Tây Nguyên, tổng sản lượng có thể lên đến 600.000 tấn củ tươi.
“Ngày nào nông dân còn tự phát nuôi trồng theo kiểu phong trào, ngày đó sản phẩm do họ làm ra còn phải đối mặt với nguy cơ thừa, ế. Sau nhiều cuộc phá sản do “phát triển nóng” cao su, cà phê, tiêu, hiện nguy cơ khủng hoảng thừa sản lượng củ nghệ lại hiển hiện trước mắt”, báo Tiền phong đưa ra nhận định.
Phát triển cây nghệ bền vững, hành trình dài bắt đầu từ hôm nay
Thực tế, nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ nghệ trên thế giới khá đa dạng: tinh bột nghệ được dùng trong công nghiệp thực phẩm, tinh dầu nghệ và curcumin dùng trong dược phẩm và công nghệ làm đẹp. Thị trường tiêu thụ sản phẩm từ nghệ cũng khá rộng rãi, ngoài Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ 2 thế giới, sản phẩm từ nghệ còn được sử dụng ở các nước Trung Đông, Đông Âu, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan…
Tạp chí Nhịp cầu đầu tư trích dẫn nghiên cứu của Global Market Insight cho biết, “Nhờ người dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe nên tinh bột nghệ là thị trường có thể đạt đến giá trị 99,3 triệu USD vào năm 2024”.
Bình luận về những thông tin trên báo Tiền phong, ông Tô Hồng Thái, Chủ tịch ANVY cho biết: “Nguy cơ khủng hoảng thừa sản lượng củ nghệ như lo ngại của tác giả bài báo “Hơn nửa triệu tấn nghệ sẽ bán đi đâu?” là có thật”.
“Tuy nhiên, sự khủng hoảng thừa này chỉ có tính cục bộ. Hiện tại, các vùng trồng nghệ vẫn đang phát triển theo kiểu tự phát, chưa có sự song hành của nhà máy, của dây chuyền chiết xuất quy mô lớn nên khả năng tiếp cận với thị trường thế giới của sản phẩm từ nghệ vẫn còn nhiều hạn chế. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ khủng hoảng thừa”, ông Tô Hồng Thái tiếp tục bình luận.
Với mong muốn đưa sản phẩm nghệ đưa sản phẩm từ nghệ “vươn tầm” thế giới, tạo cơ hội phát triển bền vững cho cây nghệ, ANVY đã đầu tư và chuẩn bị đưa vào vận hành dây chuyền chiết xuất do hãng Devex (CHLB Đức) thiết kế và lắp đặt đồng bộ.
Với việc đưa vào vận hành dây chuyền chiết xuất hiện đại trị giá hàng trăm tỷ đồng, ANVY đang kỳ vọng sẽ chiết xuất được đồng thời 3 sản phẩm: tinh bột nghệ, tinh dầu nghệ và curcumin.
Dây chuyền chiết xuất do hãng Devex thiết kế và lắp đặt đồng bộ là công cụ quan trọng để
ANVY hiện thực hóa tham vọng đưa sản phẩm nghệ ra thị trường thế giới.
Hiện tại, chưa một doanh nghiệp nào ở Việt Nam thực hiện được việc chiết xuất và thu đồng thời 3 sản phẩm: tinh bột, tinh dầu và curcumin. Ngay cả những nhà máy ở Trung Quốc, Malaysia có quy mô chiết xuất hàng triệu tấn nghệ/năm cũng chỉ thu được 2 sản phẩm: hoặc là tinh bột và tinh dầu, hoặc là tinh bột và curcumin, hoặc cũng có thể là tinh dầu và curcumin.
Như tin đã đưa, ngày 4.1.2018 lãnh đạo ANVY đã có buổi làm việc với cán bộ xã Chí Tân về việc xây dựng vùng trồng Nghệ theo tiêu chuẩn VietGAP. Tại buổi làm việc, cán bộ xã Chí Tân cam kết sẽ tạo điều kiện tối đa để ANVY và người dân xã Chí Tân hiện thực hóa ý tưởng của ANVY trong việc xây dựng vùng trồng nghệ theo tiêu chuẩn Organic.
Trước mắt, 2 bên sẽ xin ý kiến lãnh đạo huyện Khoái Châu, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên để xây dựng mô hình trồng nghệ theo tiêu chuẩn VietGAP. Phương thức hợp tác, quy trình sản xuất sẽ do phía ANVY xây dựng và thuyết trình với cán bộ và người dân xã Chí Tân.
Dự kiến, việc triển khai thí điểm mô hình trồng nghệ theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Chí Tân sẽ được triển khai ngay trong vụ tới, tức là khoảng tháng 3.2018. Đây là bước đệm cần thiết để hướng tới tham vọng xây dựng vùng trồng nghệ theo tiêu chuẩn Organic tại Chí Tân cũng như thương hiệu cho cây nghệ Việt Nam của ANVY.
“Mục tiêu xây dựng thương hiệu cho cây nghệ Việt Nam là một hành trình dài. Trong hành trình dài đó, ANVY đang cùng người dân Chí Tân chập chững bước những bước đầu tiên. Và hành trình nào cũng vậy, nếu không có những bước đi đầu tiên, chúng ta sẽ không bao giờ tới đích”, ông Tô Hồng Thái bày tỏ về tham vọng mà ANVY đang ngày đêm ấp ủ…
Lê Nguyễn
ANVY Communications Expert