Tháng 3.2018, ANVY sẽ di thực 1.000 gốc trấp

16/01/2018

Hiện tại ANVY đã thỏa thuận xong với đối tác Trung Quốc về việc cung cấp cây giống và đang tích cực khảo sát vùng trồng phù hợp với đặc điểm sinh học của cây trấp. Khoảng tháng 3.2018, 1.000 gốc Trấp sẽ được di thực về Việt Nam.

Bắc Quang (Hà Giang) và Cao Phong (Hòa Bình) đang là những địa phương mà ANVY nhắm đến để phát triển vùng trồng trấp.

“Trấp là cây cùng họ khác loài với cam, Bắc Quang và Cao Phong đều là những địa phương có truyền thống chuyên canh cây cam. Đó là lý do đầu tiên để ANVY lựa chọn 2 địa phương trên làm nơi phát triển vùng dược liệu chuyên canh trồng trấp”, chị Nguyễn Thị Phương Thảo – Trưởng phòng nghiên cứu, Công ty CP ANVY cho biết.

Trấp là cây cùng họ, khác loài với cam.

Bắc Quang và Cao Phong cũng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khá tương đồng với vùng trồng trấp ở Tứ Xuyên (Trung Quốc), nơi ANVY đang đặt hàng sản xuất cây giống. “Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, độ cao, lượng mưa, nhiệt độ bình quân, cấu trúc đất… ở Bắc Quang và Cao Phong khá giống với vùng trồng trấp ở Tứ Xuyên”, chị Thảo nhấn mạnh.

Theo thông tin phản ánh trên báo chí, trong năm 2017 vừa qua, cả vùng cam Bắc Quang và Cao Phong đều đang phải đối diện với nhiều khó khăn.

Báo Hà Giang ngày 19.3.2017 đưa tin, “Vào thời điểm sau Tết Nguyên đán năm 2016, giá cam (Bắc Quang – LN) tại vườn dao động quanh mức 20 – 25 nghìn đồng/kg, còn cùng thời điểm năm nay giá giảm nhiều, chỉ còn được 6 – 8 nghìn đồng/kg”.

Báo Đất Việt ngày 6.12.2017 cũng cho biết: “Năm ngoái, từ đầu mùa, giá cam (Cao Phong – LN) đã 30 – 35 nghìn đồng/kg cắt tại vườn. Năm nay, giá tại vườn chỉ loanh quanh trong khoảng 22 – 28 nghìn đồng/kg”. Như vậy là dù vẫn đang duy trì được mức giá trên 20 nghìn đồng/kg nhưng so với năm ngoái, cam Cao Phong cũng đang rơi vào cảnh rớt giá thê thảm. Thời gian tới, cam Cao Phong còn phải cạnh tranh khốc liệt khi sản phẩm cam Lạc Thủy, Kim Bôi (2 huyện giáp danh với Cao Phong) đang xuất hiện ngày một nhiều trên thị trường.

Trao đổi về kế hoạch phát triển vùng trồng trấp ở Việt Nam, ông Tô Hồng Thái, Chủ tịch HĐQT ANVY cho biết: “Chúng tôi tin rằng cả Bắc Quang và Cao Phong đều là những địa phương có điều kiện tự nhiên, xã hội phù hợp để cây trấp phát triển thuận lợi. Đạt được thỏa thuận với chính quyền và người dân địa phương nào, chúng tôi sẽ lựa chọn địa phương đó làm nơi thí điểm phát triển cây trấp”.

Ông Tô Hồng Thái nhấn mạnh thêm: “Hợp tác với ANVY, bà con nông dân sẽ không phải lo đầu ra cho sản phẩm. Quan trọng hơn, hiện tượng “được mùa – mất giá” sẽ chắc chắc sẽ được chấm dứt hoàn toàn”.

Theo lý thuyết, 1ha trấp có thể cho năng suất 60 – 80 tấn quả. Nếu giá bán là 10 nghìn đồng/kg, thu nhập nguồn lợi thu được từ 1ha trồng trấp là không hề nhỏ.

Trở lại với kế hoạch của ANVY, với 1.000 gốc trấp ANVY sẽ cần đến 0,5ha diện tích đất trồng. 0,5ha này sẽ tiếp tục được nhân lên thành 2,5ha trong năm 2019 và sẽ tiếp tục được nhân rộng hơn nữa để đáp ứng đủ nhu cầu bào chế các sản phẩm thương mại của ANVY cũng như nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Tại Trung Quốc, trấp là loại cây cho quả để làm vị thuốc Chỉ thực (quả non) và Chỉ xác (quả già). Tại Việt Nam, rất nhiều các cơ sở sản xuất, bào chế thuốc Đông y vẫn đang dùng quả cam thay thế cho trấp để bào chế hai vị thuốc Chỉ thực, Chỉ xác.

Trấp làm Chỉ thực.

Theo chị Nguyễn Thị Phương Thảo, quá trình làm việc với các chuyên gia về y học cổ truyền đến từ Đại học Tứ Xuyên, chị và bộ phận nghiên cứu nhận ra một số vấn đề mà hiểu biết trước đây còn chưa đầy đủ. “Người Việt mình hay dùng quả cam để làm ra vị thuốc Chỉ thực, Chỉ xác. Đây là 2 vị thuốc được dùng trong rất nhiều các bài thuốc liên quan đến đường tiêu hóa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia Đại học Tứ Xuyên, vị Chỉ thực, Chỉ xác phải được bào chế từ quả Trấp”, chị Thảo cho biết.

Cũng theo thông tin từ chị Thảo, Trấp và Cam là những cây cùng họ khác loài vì thế quả của 2 loài cây này có một số dược chất giống nhau, do đó cũng có tác dụng dược lý tương tự nhau.  Mặc dù vậy, theo chị Thảo, “Cây cùng loài trồng ở những vùng, những thời điểm, với những cách thức chăm sóc khác nhau đã có hàm lượng dược chất khác nhau rồi. Thế nên, việc dùng Cam thay thế cho Trấp (dù cùng loài) để bảo chế Chỉ thực, Chỉ xác khiến sẽ khiến cho hiệu quả điều trị của bài thuốc bị ảnh hưởng đáng kể”.

Hiện tại, ANVY đang sử dụng Chỉ thực, Chỉ xác để bào chế các sản phẩm thương mại như ANVIDA, ANVITRA.

“ANVY chủ trương phát triển vùng trồng trấp ở Việt Nam với mong muốn có thể kiểm soát tốt chất lượng đầu vào nguồn dược liệu. Đồng thời, ANVY cũng sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường về Chỉ thực, Chỉ xác…”, ông Tô Hồng Thái chia sẻ thêm.

 

Lê Nguyễn

ANVY Communications Expert