Tiêm phòng Vaccin COVID-19 và những lưu ý

13/08/2021

Trước diễn biến Covid 19 với các loại biến chủng của virus lây lan nhanh chóng, một số quốc gia đã sản xuất thành công Vaccin phòng ngừa Covid 19. Tổ chức Y tế Thế Giới – WHO đã yêu cầu các quốc gia đẩy mạnh việc tiêm chủng Vaccin, hiện nay hàng triệu người trên khắp thế giới hiện đã được tiêm chủng. Tại Việt Nam tốc độ tiến hành tiêm chủng vaccin phòng ngừa Covid cho người dân cũng được đẩy nhanh, đặc biệt là các khu vực có tỷ lệ ca nhiễm Covid cao như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương….Vậy có lưu ý gì trước, trong và sau quá trình tiêm Vaccin hay không? chúng ta cùng tìm hiểu trong nội dung dưới đây.

Các loại vaccin phòng Covid 19 được BỘ Y TẾ cấp phép hiện nay

6 loại vắc xin đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay bao gồm:  Astrazeneca, Gam-Covid-Vac (tên gọi khác: Spuntnik V), Vero Cell (Sinopharm), Comirnaty (tên gọi khác: Pfizer/BioNTech), Spikevax (tên gọi khác: Vaccin Moderna), vaccin Janssen.

Đối tượng nào không nên tiêm Vacxin phòng ngừa Covid? 

Theo hướng dẫn mới  nhất của Bộ Y Tế Việt Nam, trước khi tiến hành tiêm người dân cần đăng kí khai báo, khám sàng lọc. 

Nhóm trì hoãn tiêm chủng gồm 3 đối tượng:

– Người có tiền sử rõ ràng đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng.

– Người đang  mắc bệnh cấp tính, hoặc đang có triệu chứng nhiễm Covid 19.

– Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần. (Với phụ nữ mang thai trên 13 tuần và cho con bú vẫn được tiêm vaccine (nếu có cam kết). Tuy nhiên không áp dụng với vaccine Sputnik V.).

Có 5 nhóm cần khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng trước khi tiêm

– Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.

– Người có bệnh nền, bệnh mạn tính.

– Người mất tri giác, mất năng lực hành vi.

– Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.

– Phụ nữ mang thai ≥ 13 tuần.

– Người phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống: nhiệt độ dưới 35,5 độ C hoặc trên 37,5 độ C, mạch < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút; nhịp thở trên 25 lần/phút; huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg hoặc cao hơn 30 mmHg so với huyết áp hàng ngày (ở người có tăng huyết áp đang điều trị và có hồ sơ y tế).

Những điều cần biết khi tiêm phòng Vaccin 

Trước khi đi tiêm bạn nên  nghỉ ngơi và bổ sung nước đầy đủ trước khi tiêm chủng để bạn có thể cảm thấy sức khoẻ tốt nhất. Không uống nhiều thực phẩm chứa caffein (trà, cà phê, nước tăng lực…) trước khi tiêm. Bởi caffein làm tăng tần số tim, tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim khi sử dụng quá nhiều. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng.

Trong quá trình tham gia tiêm chủng cần thực hiện

– Giữ an toàn

Đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng ngừa an toàn tại cơ sở tiêm chủng như giữ khoảng cách trong khi chờ đợi và đeo khẩu trang.

– Trao đổi với nhân viên y tế

Hãy cho chuyên gia chăm sóc sức khỏe biết nếu bạn có tiền sử về dị ứng hoặc mang thai.

Bạn sẽ nhận được một thẻ chứng nhận tiêm chủng cho biết bạn đã được  tiêm phòng loại vắc xin COVID-19 nào, tiêm vào thời gian nào và ở đâu. Đảm bảo giữ thẻ này trong trường hợp bạn cần nó trong tương lai và dành cho lịch tiêm mũi tiếp theo.

Theo dõi phản ứng sau tiêm

Sau khi tiêm nên ở lại theo dõi các phản ứng sau tiêm trong khoảng 30 phút sau khi tiêm vắc xin để đảm bảo bạn không có bất kỳ phản ứng hoặc sock phản vệ nào. 

Dự phòng các tác dụng phụ sau tiêm

Sau khi tiêm phòng Vaccin, bạn có thể gặp phải 1 số những phản ứng sau tiêm, đừng lo lắng đó là phản ứng bình thường của cơ thể. 

Một số tác dụng phụ từ nhẹ đến trung bình mà bạn có thể gặp phải sau khi tiêm chủng bao gồm

– Đau nhức cánh tay tại chỗ tiêm

– Sốt nhẹ

– Mệt mỏ

– Nhức đầu

– Đau nhức cơ hoặc khớp

– Ớn lạnh

– Tiêu chảy

Cách xử trí một số phản ứng thông thường

Sốt nhẹ: Sốt là phản ứng phổ biến nhất sau khi tiêm vắc xin COVID-19. Đây là cách cơ thể phản ứng với thuốc và thường tự khỏi sau 1-2 ngày sau khi tiêm. Tuy nhiên cũng có một vài trường hợp có thể sốt đau, có thể sử dụng thuốc hạ sốt chống viêm, nếu sốt không giảm (trên 39 độ C), liên hệ ngay với cơ sở y tế để được tư vấn kịp thời.

Vết tiêm bị sưng đỏ, đau: Vấn đề này có thể tồn tại đến vài ngày nhưng đây hoàn toàn là phản ứng bình thường và sẽ tự khỏi, không đáng ngại. Có thể dùng phương pháp chườm lạnh ở chỗ tiêm để giảm đau.

Dị ứng: Sau khi tiêm, người có thể nổi các vết ban mề đay hoặc ngứa toàn thân… Thông thường, các biểu hiện dị ứng này sẽ tự khỏi sau vài ngày, nhưng nếu trong người khó chịu thì phải dùng thuốc chống dị ứng với sự tư vấn của cán bộ y tế.

Sau khi tiêm vacxin phòng Covid 19 nên và không nên ăn gì?

Bổ sung nước cho cơ thể

Nhu cầu nước hàng ngày: mỗi ngày, người trưởng thành cần khoảng 2.500 ml/ngày, trong đó nước uống bổ sung khoảng 1,2 – 1,4 lít/ngày (tương đương 6 – 7 cốc nước/ngày), còn lại nước đưa vào cơ thể dưới dạng thức ăn và đồ uống.

Bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng

Ăn đủ nhu cầu, ăn đa dạng, phối hợp từ 15-20 loại thực phẩm và thay đổi thường xuyên các loại thực phẩm trong ngày. Bổ sung thêm hoa quả, rau xanh và chất xơ, đồng thời cung cấp thêm các Vitamin A, C, B, D và kẽm để cơ thể được hồi phục nhanh nhất.

Thực phẩm gì nên kiêng?

Không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng. Theo các chuyên gia, rượu, bia có thể ức chế miễn dịch, gây mất nước, giảm khả năng chống nhiễm trùng, tăng nguy cơ biến chứng, gây khó khăn khi phân biệt phản ứng của rượu, bia và phản ứng của vaccin.

Đồng thời cũng không nên ăn những thực phẩm dễ gây dị ứng.

Hiệu quả miễn dịch

Việc tạo hệ miễn dịch cho cơ thể cần có thời gian. Bạn sẽ được coi là đã tiêm chủng đầy đủ hai tuần sau khi tiêm liều thứ hai của vắc-xin Pfizer-BioNtech hoặc Moderna COVID-19, 15 ngày sau liều thứ hai của vắc-xin AstraZeneca hoặc hai tuần sau khi tiêm vắc-xin J & J / Janssen COVID-19 liều duy nhất.

Giữ an toàn cho bản thân và những người xung quanh

Mặc dù các loại vắc xin này đang cho thấy có hiệu quả cao trong việc bảo vệ mọi người chống lại triệu chứng nghiêm trọng do COVID-19, tuy nhiên trên thế giới một người được tiêm phòng có thể vẫn lây lan vi rút, ngay cả khi có triệu chứng hay không. Do đó, điều quan trọng là phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn để bảo vệ bản thân và những người khác, bao gồm tránh tụ tập đông người, rửa tay và đeo khẩu trang.

Nguồn tham khảo: Theo trang tin của tổ chức Unicef, thông tin từ cổng thông tin Bộ y tế.