Nhóm thuốc ức chế bơm Proton (PPI) trong điều trị viêm loét và trào ngược dạ dày và những nguy cơ khi sử dụng lâu dài?
Thuốc ức chế bơm proton (PPI) là một trong những thuốc được sử dụng rộng rãi nhất trong thực hành lâm sàng. PPI có hiệu quả cao trong việc làm giảm các triệu chứng gây ra do tăng tiết acid dịch vị và nhìn chung được dung nạp khá tốt. Tuy nhiên, không nên kê đơn PPI vô thời hạn mà không đánh giá lại người bệnh.
Việc điều trị các triệu chứng liên quan đến tăng tiết dịch vị đã bắt đầu từ thời Hy lạp cổ đại bằng việc sử dụng bột san hô (calci carbonat) để làm giảm chứng khó tiêu. Từ những năm 1970, 1980 các thuốc thuộc đối kháng thụ thể H2, PPI đã có hiệu cao hơn.
Các thuốc PPI được chỉ định cho:
- Điều trị trào ngược dạ dày thực quản
- Dự phòng loét dạ dày tá tràng liên quan đến NSAIDS
- Điều trị loét dạ dày tá tràng lành tính…
Đặc tính dược lý của thuốc bơm Proton
PPI là tiền thuốc, sau khi vào cơ thể sẽ chuyển từ dạng không có hoạt tính thành dạng có hoạt tính. PPI không bền ở môi trường acid, nên sẽ được bào chế ở dạng bao tan trong ruột, sau khi đi qua dạ dày, màng bao sẽ tan trong ruột non và hấp thu vào máu. Thời gian bán thải của các PPI tương đối ngắn, tuy nhiên hiệu quả tác dụng của thuốc khá dài (10-14 giờ), do chất chuyển hóa có hoạt tính liên kết không thuận nghịch với bơm Pronton H+, K+/ATPase ở tế bào viền, ngăn cản tiết H+ vào dịch vị.
Gastrin là 1 hormon kích thích tế bào viền bài tiết dịch vị, khi PPI ức chế tế bào viền bài tiết dịch vị, gastrin sẽ được bài tiết nhiều hơn để chống lại sự giảm tiết acid dạ dày. Gần đây 1 số nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi ngừng sử dụng PPI cơ thể vẫn sản xuất ra nhiều gastrin so với trước khi điều trị, gây ra hiện tượng tăng acid hồi ứng.
PPI nên được dùng ở liều thấp nhất có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất có thể.
Thống kê các tác dụng không mong muốn của PPI
Các phản ứng có hại của thuốc ức chế bơm proton được chia thành 3 loại chính:
– Phản ứng có hại ngắn hạn, mức độ nhẹ và ít gặp, như đau đầu, đau bụng, táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, buồn nôn, nôn và trong các trường hợp này, bệnh nhân hiếm khi cần ngừng thuốc.
– Các triệu chứng liên quan tới tăng tiết acid hồi ứng sau khi ngừng thuốc, với các biểu hiện như ợ chua, ợ nóng do ngừng thuốc đột ngột (hội chứng cai thuốc) (phản ứng này ít gặp).
– Cuối cùng, một loạt các phản ứng có hại xuất hiện tương đối muộn, có thể nghiêm trọng và gây tàn tật:
+ Nhiễm khuẩn, đặc biệt ở hệ tiêu hóa, ví dụ nhiễm Clostridium difficile, nguyên nhân gây ra viêm đại tràng giả mạc. Nguy cơ nhiễm trùng này là do sự giảm acid dạ dày.
+ Gãy xương, tăng nguy cơ gãy xương hông, đốt sống hoặc cổ tay. Cơ chế cũng liên quan tới tăng pH dạ dày, làm giảm hấp thu calci. Một số trường hợp hiếm gặp xuất hiện đau cơ như viêm đa cơ hay viêm khớp đã được báo cáo. Cơ chế được cho là liên quan đến tính tự miễn.
+ Giảm hấp thu vitamin B12, có khả năng gây thiếu máu thứ phát…
Tóm lại, nguyên nhân chính dẫn đến các phản ứng có hại của thuốc ức chế bơm proton là việc sử dụng sai mục đích và tiêu thụ quá mức. Dẫn đến tình trạng bệnh nhân bị “feedback” ngược, hoặc khả năng đáp ứng với thuốc giảm đi rất nhiều…
(Trích bài viết in do Trung tâm cảnh giác dược – Thuộc cục Quản lý dược (Bộ Y Tế) tổng hợp).