Nhàu (Noni) – Dược liệu tác dụng nhuận tràng, làm đẹp da
Tại Hawaii và nhiều quốc gia trên thế giới từ lâu Nhàu (Noni) được sử dụng trong nhiều thế kỷ để chữa bệnh hoặc ngăn ngừa nhiều loại bệnh. Nhàu đóng vai trò như một thực phẩm bổ sung, thành phần thực phẩm chức năng tăng cường sức khỏe và làm đẹp ngày càng được sử dụng nhiều. Vậy Nhàu có chứa các hoạt chất gì, tác dụng ra sao, đặc biệt là tác dụng gì trên hệ tiêu hoá? mời quý bạn đọc cùng theo dõi trong bài viết dưới đây do công ty Anvy biên soạn.
-
Đặc điểm thực vật và bộ phận dùng
Cây nhàu còn có tên gọi khác là cây ngao, hoặc nhàu rừng, nhàu núi tên khoa học là Morinda citrifolia L,.
Nhàu là cây thuộc loại thân gỗ, cao khoảng 6 – 8 m. Thân cành nhẵn, cành non mập mạp có 4 cạnh, hơi dẹt, có rãnh màu lục hoặc nâu nhạt. Lá mọc đối, hình bầu dục, hoặc hình trứng. Cụm hoa mọc ở kẽ lá, màu trắng sau vàng nhạt. Quả thịt, hình trứng hoặc hình cầu, gồm nhiều quả hạch dính vào nhau. Khi chín có màu vàng hoặc hồng nhạt.
Bộ phận dùng của nhàu là vỏ, rễ, lá, quả phơi hoặc sấy khô.
-
Thành phần hoá học
Vỏ rễ nhàu chứa thành phần moridon, acid rubicloric, alizarin α – methyl ether và một số dẫn chất của hợp chất anthraquinon. Lá nhàu chứa iridoidglycosid. Quả nhàu có chất damnacanthal, tinh dầu, rutin, acid asperulosid, nhiều nguyên tố vi lượng, trong đó có selen.
-
Tác dụng theo Y học cổ truyền
Theo Y học cổ truyền, quả nhàu có tác dụng nhuận tràng, lợi tiểu, điều kinh, hoạt huyết. Được dùng trị táo bón, tiểu tiện không thông, điều kinh, hạ sốt, chữa ho, hen. Ngoài ra, nhàu có tính chất tăng cường miễn dịch, tăng sức đề kháng cho cơ thể. Rễ nhàu có tác dụng trừ phong thấp, nhuận tràng, dùng trị đau nhức xương khớp, trị tăng huyết áp, bồi bổ cho phụ nữ sau sinh yếu mệt. Ngày dùng 10 – 12g, dạng thuốc sắc, ngâm rượu, phối hợp với các vị thuốc khác.
Dịch chiết quả nhàu có tác dụng giảm sự tiết acid ở dạ dày, tá tràng, rất có lợi cho các trường hợp viêm loét dạ dày do thừa acid hoặc trào ngược dịch dạ dày; viêm phế quản, hen suyễn. Nhàu còn có tác dụng đối với các bệnh tự miễn: viêm khớp dạng thấp, vẩy nến, bệnh lupus ban đỏ…. Rễ nhàu có tác dụng giảm đau, chống viêm, hạ đường huyết.
Tác dụng theo y học hiện đại
Hiện nay có khá nhiều sản phẩm trên thị trường có chứa thành phần nước ép nhàu. Tại các quốc gia phát triển, việc sử dụng sản phẩm từ Nhàu để hỗ trợ tăng cường sức khoẻ và làm đẹp khá phổ biến. Theo các nghiên cứu mới đã chỉ ra những tác dụng sau đây của dược liệu này.
-
Tác dụng chống oxy hoá
Nghiên cứu năm 2004 của Kamiya đã chỉ ra một số hoạt chất americanol A, americanin A, americanoic, morindolin trong nhàu đều có tác dụng chống oxy hoá.
-
Tác dụng chống viêm
Chiết xuất nhàu làm giảm triệu chứng phù nề trên chuột thí nghiệm, tác dụng chống viêm tương đương với thuốc chống viêm không steroid như acid acetylsalicylic, indomethacin và celecoxib (Su và cộng sự, 2001). Cơ chế chống viêm thông qua cách ức chế cả hai enzym COX-2 và 5-LOX trong một thử nghiệm trên in vitro ở nồng độ 0,5 và 1 (mg/ ml.)
-
Tác dụng chống viêm khớp
Nhàu được sử dụng trong y học cổ truyền điều trị viêm khớp từ xưa. Trong nghiên cứu của Saraswathi và cộng sự năm 2012 đã đánh giá tác dụng chống viêm khớp của nhàu. Ở mức liều 1,8 (ml/ kg) và 3,6 (ml/ kg) chiết xuất nhàu làm giảm đáng kể các chỉ số viêm khớp, giảm tổn thương thứ phát ở thứ nghiệm gây viêm khớp trên chuột. Hoạt động chống viêm khớp có thể là do sự hiện diện của các thành phần flavonoid và phenol. Tác dụng chống viêm tương đương các thuốc NSAIDs như acid acetylsalicylic, indomethacin và celecoxib thông qua cách ức chế cả hai enzym COX-2 và 5-LOX.
-
Tác dụng giảm đau
Chiết xuất nhàu có tác dụng giảm đau hiệu quả ở chuột trong thử nghiệm gây đau trên đĩa nóng ở liều 800 (mg/ kg) tiêm trong phúc mạc.
-
Tác dụng chống loét dạ dày
Vào năm 2011, Mahattanadul và các cộng sự đã đánh giá tác dụng chống loét dạ dày – thực quản của nhàu trên invivo, mức liều có tác dụng là 0,63 – 2,50 (g/ kg), do làm giảm sự hình thành tổn thương dạ dày cấp tính, chặn trào ngược thực quản và hoạt động như một tác nhân ức chế tiết acid tương tự như ranitidine và lansoprazole.
-
Tác dụng thải độc gan
Polyphenol trong nước ép trái nhàu bao gồm acid phenolic, acid gentisic, p-hydroxybenoic và chlorogenic được đánh giá có tác dụng bảo vệ gan thông qua việc làm cũng giảm lipid huyết thanh và tăng lượng lipid và acid mật được thải qua phân hàng ngày ở chuột hamster chế độ ăn giàu chất béo, đồng thời làm giảm các chỉ số gây viêm, COX-2, TNF-α.
-
Tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm
Các chiết xuất nhàu được đánh giá có tác dụng kháng khuẩn trên các chủng vi khuẩn và nấm như Escherichia coli, Candida albicans và Staphylococcus aureus. Trong đó tác dụng trên chủng Candida albican là nhạy cảm nhất.
Ngoài ra nhàu còn có các tác dụng trị gout, chống nôn, chữa bệnh vẩy nến, tăng cường hệ miễn dịch, kháng virus, tăng cường thính lực, tốt cho hệ tim mạch…
Với những tác dụng đa dạng được trình bày trên, hiện nay Nhàu đang là một loại dược liệu được sử dụng trong phòng ngừa một số bệnh. Đặc biệt đối với các bệnh lý trên đường tiêu hoá, nhờ tác dụng thanh nhiệt, nhuận tràng, giải độc nhàu được sử dụng cho những đối tượng bị táo bón, viêm loét dạ dày và đã cho những tác dụng hiệu quả.
Tại Anvy, Nhàu là một thành phần của nhiều sản phẩm dinh dưỡng như nước uống trái nhàu Noni, sản phẩm được xuất khẩu sang Hàn quốc. Đồng thời là thành phần chính trong một số sản phẩm Nhuận tràng: Anvida nhuận tràng, Anvida nhuận tràng kid.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Theo tài liệu cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam, tập 2 trang 443- 445.
- Morinda citrifolia (Noni): A comprehensive review on its industrial uses, pharmacological activities, and clinical trials
- Beneficial effects of noni (Morinda citrifolia L.) juice on livers of high-fat dietary hamsters