Khởi động dây chuyền Devex, thu 3 sản phẩm từ củ Nghệ

08/01/2018

Tháng 3 tới đây, ANVY sẽ khởi động dây chuyền chiết xuất do hãng Devex (CHLB Đức) thiết kế và lắp đặt đồng bộ. ANVY tham vọng sẽ thu cùng một lúc 3 sản phẩm từ củ nghệ.

Tinh bột nghệ, curcumin và tinh dầu nghệ là những sản phẩm ANVY mong muốn thu được khi chính thức khởi động dây chuyền chiết xuất Devex.

Dây chuyền do hãng Devex thiết kế đã được lắp đặt tại Nhà máy ANVY, chuẩn bị đưa vào vận hành.

Chiết xuất nghệ thủ công: năng suất thấp, hàm lượng tạp chất cao

Củ nghệ có rất nhiều chất khác nhau như: tinh bột, tinh dầu, mỡ, acid, chất xơ… Trong đó, tinh bột (chiếm khoảng 40 – 60%), (tinh dầu khoảng 5%), còn curcumin (chỉ chiếm khoảng 3%), là những sản phẩm được sử dụng phổ biến nhất từ củ nghệ.

Theo khảo sát thực tế, chiết xuất tinh bột nghệ đã được thực hiện khá phổ biến tại các địa phương có vùng chuyên canh trồng nghệ như Nghệ An, Thanh Hóa, Hưng Yên. Phần lớn, các cơ sở sản xuất tinh bột nghệ vẫn thực hiện theo phương pháp thủ công: xay nghiền, lắng lọc… (tương tự như làm tinh bột sắn dây).

“Trong những năm gần đây, một số thiết bị cơ giới đã hỗ trợ đáng kể công việc xay nghiền củ nghệ. Tuy nhiên, về cơ bản, sản xuất tinh bột nghệ vẫn chủ yếu thực hiện theo phương pháp thủ công. Năng xuất thấp, lượng rác thải lớn”, chị Nguyễn Thị Phương Thảo – Trưởng phòng nghiên cứu, Công ty CP ANVY đánh giá.

Tương tự nhưng việc chiết xuất tinh bột, chiết xuất tinh dầu nghệ cũng chủ yếu được thực hiện theo phương pháp thủ công. “Sản phẩm tinh dầu nghệ làm theo phương pháp thủ công có hàm lượng tạp chất rất cao. Đặc biệt, do lượng tinh dầu chỉ chiếm khoảng 5% nên nếu chiết xuất tinh dầu theo phương pháp thủ công, lượng rác thải là cực kỳ lớn”, chị Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết thêm.

Cũng theo chị Thảo, từ năm 2013, lần đầu tiên, Việt Nam đã chiết xuất được curcumin từ Nghệ. Tuy nhiên, cho đến nay, lượng curcumin chiết xuất được vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu bào chế dược phẩm cũng như nguồn cung dồi dào nghệ tươi từ những vùng trồng trên cả nước. Trong khi đó, tinh bột nghệ dùng cho chế biến thực phẩm, tinh dầu nghệ dùng cho mỹ phẩm, làm đẹp, curcumin dùng cho bào chế dược phẩm, đều đang có thị trường đầu ra rất lớn.

Vùng trồng nghệ Chí Tân (Khoái Châu, Hưng Yên) được xác định là vùng nguyên liệu chính của ANVY.

Bước đi mạo hiểm nhưng cần thiết

Với việc đưa vào vận hành dây chuyền chiết xuất hiện đại trị giá hàng trăm tỷ đồng, ANVY đang kỳ vọng sẽ chiết xuất được đồng thời 3 sản phẩm: tinh bột nghệ, tinh dầu nghệ và curcumin.

Hiện tại, chưa một doanh nghiệp nào ở Việt Nam thực hiện được việc chiết xuất và thu đồng thời 3 sản phẩm: tinh bột, tinh dầu và curcomin. Ngay cả những nhà máy ở Trung Quốc, Malaysia có quy mô chiết xuất hàng triệu tấn nghệ/năm cũng đang chỉ thu được 2 sản phẩm: hoặc là tinh bột và tinh dầu, hoặc là tinh bột và curcumin, hoặc cũng có thể là tinh dầu và curcumin.

Nhận định về vấn đề này, ông Ulrich Niesse, chuyên gia công nghệ đến từ hãng Devex (CHLB Đức) nêu quan điểm: “Doanh nghiệm của các bạn hoặc còn thiếu kiến thức, hoặc là thiếu nguồn lực đầu tư nên chưa tiếp cận được với công nghệ tiên tiến nhất. Tôi cam kết rằng, với dây chuyền do Devex thiết kế và lắp đặt, các bạn hoàn toàn có thể chiết xuất và thu được 3 sản phẩm từ nghệ trong cùng một mẻ chiết”.

Hiện tại, dây chuyền chiết xuất của ANVY đã được lắp đặt gần như hoàn thiện, bộ phận nghiên cứu cũng đang tích cực chuẩn bị những công đoạn cần thiết cho mẻ chiết thử nghiệm đầu tiên.

Có sự đảm bảo từ chuyên gia người Đức nhưng với tư cách là một nhà đầu tư, một người chủ doanh nghiệp, ông Tô Hồng Thái, Chủ tịch HĐQT ANVY vẫn không dấu nổi đôi chút băn khoăn trong quá trình chuẩn bị cho mẻ chiết nghệ đầu tiên: “Đi tiên phong trong việc chiết xuất và thu đồng thời 3 sản phẩm từ nghệ là một bước đi không ít mạo hiểm của ANVY”. Dù vậy, ông Tô Hồng Thái vẫn khẳng định chắc nịch: “Để đạt được tham vọng vừa tạo được lợi nhuận cao hơn từ cây nghệ, vừa giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường trong quá trình chiết xuất các sản phẩm từ nghệ thì bước đi mạo hiểm này là rất cần thiết”.

 Lê Nguyễn

ANVY Communication Expert