Hội nghị Phát triển vùng dược liệu Tây Bắc, góc nhìn ANVY

16/12/2017

Nhận lời mời của Ban tổ chức Hội nghị phát triển vùng dược liệu Tây Bắc, ANVY đã tham dự Hội nghị với tư cách là một doanh nghiệp đang có những hoạt động tích cực trong việc phát triển trồng, sơ chế, chiết xuất, bào chế và sản xuất dược phẩm từ cây dược liệu. 

Hội nghị phát triển vùng dược liệu Tây Bắc do Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Y tế và tỉnh Lào Cai phối hợp tổ chức chiều ngày 15.12 tại Thành phố Lào Cai.

Hội nghị phát triển vùng dược liệu Tây Bắc

Tham luận của các nhà quản lý, các chuyên gia tham dự Hội nghị chỉ rõ, Tây Bắc là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển dược liệu với hơn 500 loài cây dược liệu, trong đó có nhiều loại cây dược liệu quý, hiếm có giá trị y dược rất cao. Các ý kiến đánh giá, đây thực sự là một kho tàng vô giá để tạo ra các sản phẩm thuốc góp phần quan trọng cho việc bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, các nhà quản lý, các chuyên gia cũng thống nhất ý kiến cho rằng, trên thực tế, việc phát triển cây dược liệu ở Tây Bắc còn nhiều hạn chế, giá trị kinh tế tạo ra còn thấp, số lượng các doanh nghiệp dược còn ít, đa số quy mô còn nhỏ, năng suất thấp, chưa có vị thế trong sản xuất, xuất khẩu, năng lực cạnh tranh và khả năng tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu còn tương xứng với tiềm năng.

Bên lề Hội nghị, ông Tô Hồng Thái, Chủ tịch HĐQT ANVY cho biết, ông hoàn toàn đồng thuận với nhận định trên của các nhà quản lý, các chuyên gia.

“Cũng giống như người nông dân trồng lúa, người nông dân trồng dược liệu đang bị “bỏ mặc” với cây dược liệu của mình. Đây chính nguyên nhân dẫn đến việc, dù Quyết định số 1976 (2013) của Chính phủ, Quyết định số 2614 (2014) của Bộ Y tế về Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược liệu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã có hiệu lực và đi vào thực tế từ nhiều năm trước nhưng đến nay, số lượng doanh nghiệp, người nông dân tham gia vào việc trồng, phát triển cây dược liệu vẫn còn hạn chế”, ông Tô Hồng Thái, Chủ tịch HĐQT ANVY nhận định.

Ông Tô Hồng Thái, Chủ tịch HĐQT ANVY

Ông Tô Hồng Thái tiếp tục nêu quan điểm: Trước đây, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đưa ra mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp dựa trên sự liên kết 5 nhà: nhà nước, nhà đầu tư (doanh nghiệp), nhà khoa học, nhà băng (ngân hàng) và nhà nông. Sau này Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhiều lầm nhắc tới mô hình liên kết 5 nhà. Tuy nhiên, việc thực hiện mô hình trên còn rất hạn chế. Chính vì vậy, tình trạng phát triển manh mún tự phát, không xứng với tiềm năng trong nông nghiệp nói chung và trong việc trồng cây dược liệu nói riêng vẫn đang tiếp tục duy trì.

Cũng theo ông Tô Hồng Thái, vận dụng mô hình liên kết 5 nhà vào việc phát triển cây dược liệu cũng không khác nhiều so với sản xuất nông nghiệp: doanh nghiệp sẽ đứng ra đặt hàng người nông dân trồng các loại dược liệu phù hợp với kế hoạch sản xuất, kinh doanh; nhà khoa học nghiên cứu, cải tạo giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… nhằm giúp cây dược liệu cho năng xuất, hàm lượng dược chất cao; ngân hàng hỗ trợ vốn; nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân về thuế, nguồn vốn… ban hành chính sách hiệu quả hơn để kiểm soát dược liệu kém chất lượng nhập khẩu tiểu ngạch dưới dạng nông thổ sản.

“Nếu nhìn thấy khả năng sinh lời từ cây dược liệu, một cách tự nhiên, doanh nghiệp và người nông dân sẽ nhập cuộc. Thực tế như hiện nay, do chịu sự cạnh tranh không lành mạnh của dược liệu kém chất lượng nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, giá dược liệu đôi khi còn rẻ hơn rau trong khi trồng dược liệu đòi hỏi vốn đầu tư lớn hơn, thời gian thu hoạch dài hơn, quy trình chăm sóc phức tạp hơn… nên rất khó thu hút người dân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này”. Ông Tô Hồng Thái nêu quan điểm.

Ông Tô Hồng Thái, Chủ tịch HĐQT ANVY

Là một trong số không nhiều các doanh nghiệp đang có những hoạt động tích cực với mong muốn góp sức đánh thức tiềm năng cây dược liệu của Việt Nam, ANVY đã chủ trương xây dựng các mô hình trồng dược liệu ở Hà Giang, Thái Bình.

“Mô hình trồng dược liệu ở Hà Giang và Thái Bình của ANVY thuộc Vùng núi cao á nhiệt đới và Đồng bằng sông Hồng. Đó là 2 trong tổng số 8 vùng dược liệu trọng điểm theo quy hoạch phát triển cây dược liệu đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 mà Quyết định số 1976 của Chính phủ đã nêu rõ”, ông Tô Hồng Thái cho biết.

Sắp tới, ngoài việc mở rộng quy mô các mô hình dược liệu đã có, ANVY sẽ tiếp tục nghiên cứu giải pháp để phát triển mô hình trồng dược liệu tại Hòa Bình (Vùng trung du miền núi Bắc Bộ) và Lâm Đồng (Tây Nguyên)”. Đó cũng là những vùng trồng dược liệu được Bộ Y tế và Chính phủ xác định là trọng điểm”.

Cây Địa hoàng được trồng ở Thái Bình

Ngoài việc phát triển những cây dược liệu bản địa (vị Nam), ANVY cũng đang đang đi tiên phong trong việc di thực một số cây dược liệu từ Trung Quốc về trồng tại các vùng dược liệu như: Địa hoàng (từ Hà Nam), Đan sâm, Ngưu tất (từ Tứ xuyên). “Sau khi di thực thành công Địa hoàng, Đan sâm, Ngưu tất, chúng tôi đang nghiên cứu để tiếp tục di thực khoảng 10 loài dược liệu nữa…” Ông Tô Hồng Thái cho biết thêm.

Một vấn đề quan trọng khác cũng được đặt lên bàn Hội nghị để các đại biểu tham dự cùng nhau thảo luận, đó là: nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất chế biến dược liệu còn manh mún và chưa kịp với các nước trong khu vực; nguồn lực, các sản phẩm còn nhỏ lẻ, chưa đảm bảo sản xuất hàng hóa và chưa đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

“Vấn đề trên là vấn đề đa số các doanh nghiệp đang có tham vọng phát triển cây dược liệu phải đối mặt”, ông Tô Hồng Thái nhận định.

Ông Tô Hồng Thái cho biết thêm: “Riêng với ANVY, chúng tôi xác định ngay từ đầu mục tiêu phát triển theo mô hình khép kín, từ trồng trọt đến sơ chế, chiết xuất, bào chế và hoàn thiện sản phẩm. Chính vì thế ngoài việc phát triển các mô hình trồng dược liệu, chúng tôi cũng xây dựng đồng bộ dây chuyền sơ chế, chiết xuất dược liệu”.

Theo thông tin từ ANVY, ngoài dây chuyền sơ chế dược liệu được lắp đặt tại Hà Giang, một dây chuyền chiết xuất được thiết kế và sản xuất đồng bộ bởi hãng Devex của Đức (tên trước đây là E&E), cũng đang được khẩn trương lắp đặt tại Nhà máy của ANVY tại Tân Tiến, Văn Giang, Hưng Yên. Dự kiến quý I năm 2018, ANVY sẽ chính thức vận hành dây chuyền chiết xuất dược liệu hiện đại kể trên.

Lắp đặt dây chuyền chiết xuất dược liệu do hãng Devex (Đức) thiết kế và sản xuất đồng bộ tại nhà máy ANVY.

“Nhờ bước đột phá về công nghệ chiết xuất và sấy dược liệu, sau khi dây chuyền chiết xuất hiện đại đi vào hoạt động, ANVY có thể sử dụng các dược liệu thế mạnh của Việt Nam như: trà xanh, hoa hòe, nghệ… để sản xuất ra các sản phẩm có độ tinh khiết cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường EU, Nhật”, ông Tô Hồng Thái khẳng định.

Tại Hội nghị, nhấn mạnh một số nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển dược liệu vùng Tây Bắc trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc giao trách nhiệm cụ thể cho các các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách chung cho phát triển dược liệu vùng Tây Bắc. Khẩn trương qui hoạch, hình thành các vùng nguyên liệu để khai thác, chế biến, sử dụng dược liệu có hiệu quả. Hỗ trợ đào tạo nhân lực chuyên sâu về dược liệu, dược cổ truyền phục vụ cho công tác quản lý, phát triển y dược cổ truyền trong vùng. Tăng cường thông tin, tuyền truyền về vai trò của y dược cổ truyền nói chung và dược liệu nói riêng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Khôi phục lại các vùng nuôi trồng dược liệu truyền thống trong vùng Tây Bắc.

Tham dự Hội nghị, những doanh nghiệp như ANVY hiểu rằng, việc trồng, sơ chế, chiết xuất, bào chế và sản xuất dược phẩm từ cây dược liệu dù đang phải đối mặt với không ít khó khăn nhưng đây cũng là lĩnh vực đang nhận được quan tâm, ủng hộ của Chính phủ cũng như các ban, ngành liên quan.

Nếu tận dụng tốt sự quan tâm ủng hộ của Chính phủ và các ban ngành liên quan, cộng với nỗ lực tự thân, điều kiện tự nhiên, xã hội sẵn có, các doanh nghiệp hoàn toàn đủ khả năng giúp ngành dược liệu ở Tây Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung có những phát triển đột phá trong thời gian sắp tới.

 

Lê Nguyễn

ANVY Communications Expert